“Xây dựng thương hiệu Việt – Củng cố vị thế quốc gia” – Truyền hình Nhân dân đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thy Nga, cố vấn và Điều phối viên quốc gia cho giải thưởng Quốc tế Stevie Awards về vấn đề này.
Lời chào: Thưa quý vị, Ngày nay, các giám đốc điều hành và các công ty ở mọi quy mô đang phải đối mặt với thách thức từ nền kinh tế toàn cầu với tính cạnh tranh ngày một cao. Trong khi nhiều doanh nghiệp đã có nhiều sáng kiến khác nhau để tiếp tục tăng trưởng doanh thu doanh nghiệp và giá trị cổ đông, một số doanh nghiệp đã khám phá ra giá trị chiến lược của các giải thưởng doanh nghiệp thế giới.
Ra đời từ năm 2002 đến nay, Stevie Awards được biết đến như một giải thưởng thường niên có uy tín nhất toàn cầu dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Giải thưởng đánh giá và đề cao yếu tố sáng tạo, đổi mới – chủ đề cấp thiết của mọi doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 – trong việc hình thành, điều hành, phát triển của một tổ chức, doanh nghiệp nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tựu và đóng góp tích cực của các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.
Hãy cùng trò chuyện với bà Nguyễn Thy Nga – Cố vấn và điều phối quốc gia của Stevie Awards để có thể hiểu hơn về Giải thưởng doanh nghiệp mang đến nhiều lợi ích giúp tăng cường hiệu suất doanh nghiệp từ đối nội đến đối ngoại ra sao.
MC Thúy Quỳnh: Thưa bà, có thể nói nét quan trọng của thương hiệu quốc gia Việt Nam là cấu trúc doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là nhân vật trung tâm, có thế hệ doanh nhân mới đủ sức đại diện cho Việt Nam tiến lên dẫn đầu trong trò chơi tiên phong, sáng tạo. Thương hiệu là giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp, nhưng lĩnh vực này chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức, mà vẫn có xu hướng thiên về giá trị tài sản hữu hình? Bà đánh giá thế nào về vấn đề xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam?
bà Nguyễn Thy Nga: Cảm ơn nhà báo Thúy Quỳnh cũng như khán giả của truyền hình nhân dân. Đi vào câu hỏi của bạn, là doanh nghiệp Việt Nam có ý thức về tầm quan trọng của thương hiệu hay không thì thực ra chúng ta đã có rất nhiều chương trình và cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã gây tiếng vang trên thế giới về việc phát triển thương hiệu của mình. Tuy nhiên, một cách bài bản và hệ thống và đồng loạt thì chưa tạo nên một hình ảnh của thương hiệu quốc gia hoàn chỉnh. Vậy thì như nhiều doanh nghiệp Việt trong những khảo sát mà chúng tôi vẫn thực hiện, chỉ có thể nói theo một cách nói nôm là ăn no rồi mới đến ăn ngon thì doanh nghiệp Việt cũng đang xây dựng theo hình thức như vậy.
Trước hết là họ sẽ tạo ra sản phẩm, tạo ra thị trường trước khi quan tâm đến thương hiệu và phần lớn sau khi có thị trường, có nguồn doanh thu nhất định rồi thì qua những khảo sát của rất nhiều đơn vị thì doanh nghiệp Việt dành một phần doanh thu cho chi phí để phát triển và quảng bá thương hiệu, và con số này rất ít ỏi.
Trước đây việc xây dựng thương hiệu ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều, ngay hiện tại cũng còn nhiều doanh nghiệp vẫn mải chạy theo giá trị tài sản hữu hình như bạn nói, nhưng không thể phủ nhận những năm gần đây Việt Nam chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp mà thương hiệu của họ đã vươn ra tầm thế giới như Vingroup, Viettel, Vinamilk, Trung nguyên hay FPT,… Ngày nay, hầu hết những người làm marketing Việt Nam đều hiểu rõ vai trò cạnh tranh của việc xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh.
Nhưng đó là đối với các doanh nghiệp lớn, Các doanh nghiệp lớn hiểu rất sâu về vấn đề xây dựng thương hiệu trong khi các doanh nghiệp cỡ nhỏ gần như chưa chú trọng, dù họ sẵn sàng chi rất nhiều, lên tới 50% doanh thu cho quảng cáo online. Vấn đề xây dựng thương hiệu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không mấy dễ dàng, bởi trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải đối diện với không ít khó khăn, rào cản.
Tôi nghĩ hướng đi xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay có nhiều vấn đề cần giải quyết, trước hết là vai trò của các hiệp hội, ngành hàng cần được đẩy mạnh để bảo vệ thương hiệu quốc gia. Cần có sự gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và quan trọng cần có được sự ủng hộ từ chính người tiêu dùng Việt. Thứ hai, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo trong thập kỷ vừa qua, việc ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ, gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng,…là một hành động cần thiết.
Thêm một vấn đề nữa, chúng ta có thể thấy rằng là để phát triển thương hiệu mạnh thì thời gian không hề ngắn và cần một nguồn lực đầu tư vô cùng dài. Vậy thì phải làm sao nếu không chú trọng ngay từ ban đầu, khi chúng ta bắt đầu xây dựng và phát triển sản phẩm thì cũng phải song song với quá trình về việc xây dựng thương hiệu và có thể có rất nhiều doanh nghiệp đã để ý đến việc phát triển thương hiệu và đăng ký tại Việt Nam.
Tuy nhiên, về việc sở hữu trí tuệ hoặc là quảng bá thương hiệu đấy trong tầm quốc tế thì không nhiều nên có rất nhiều thương hiệu mà đã thành công và được biết đến và có thể là sẽ phát triển tại thị trường thế giới nhưng lại bị những quốc gia khác đăng ký bằng thương hiệu của Việt Nam, của chúng ta và chúng ta mất đi những thương hiệu như vậy thì những cái điều đáng tiếc đấy sẽ không còn.
Nếu mà khi đẩy mạnh về việc truyền thông, về việc quảng bá và tăng cường ý thức của doanh nghiệp Việt về việc rằng là phải bảo đảm cái quyền khai sinh cho con đẻ của mình một cách chắc chắn, không chỉ ở trên thị trường Việt Nam mà nhiều thị trường trên thế giới này thì cần một sự đồng bộ nhiều hơn nữa từ nhiều bên.
Và cuối cùng quan trọng không kém, đó là doanh nghiệp cần có sự sáng tạo với sản phẩm của mình và dành hết tâm huyết để sản phẩm dịch vụ chất lượng khi đến tay người tiêu dùng vì cho dù thương hiệu có lớn đến đâu đều có thế mất bất kỳ lúc nào nếu người tiêu dùng quay lưng vì chất lượng không tốt. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng đang đặt ra vấn đề lớn cho xây dựng thương hiệu.
MC Thúy Quỳnh: Việc tham gia những giải thưởng thế giới sẽ giúp doanh nhân doanh nghiệp của chúng ta có những cơ hội ra sao? Màu cờ sắc áo của Tổ quốc sẽ được khẳng định và lan toả như thế nào?
bà Nguyễn Thy Nga: Tự hào, chắc chắn đó là điều nghĩ tới đầu tiên của mọi công dân Việt Nam khi ra thế giới và mang về những giải thưởng, thành tựu lớn. Và tất nhiên khi bạn được công nhận bởi hội đồng giám khảo có chuyên môn cao, cơ hội cũng sẽ tìm đến nhiều hơn.Có thể có rất nhiều bài báo hoặc là rất nhiều thông tin ở đấy mà những độc giả của quốc tế vẫn hỏi rằng là ở Việt Nam bây giờ như thế nào, họ chưa rõ ràng về việc chúng ta có thể đã kết thúc chiến tranh, chúng ta đang đổi mới, chúng ta đang phát triển và đang xây dựng theo đổi mới sáng tạo hay là những gì đang diễn ra tại đây vậy? Chỉ thêm một màu cờ, sắc áo diễn ra, một lá cờ được treo lên ở đâu đây, một cái tên của người Việt Nam được khởi xướng một nơi nào mà đang chưa quen thuộc với người dân Việt Nam, đang chưa quen thuộc với doanh nghiệp Việt Nam và đang chưa dùng sản phẩm của Việt Nam. Điều đó tạo nên một sự tò mò, tạo nên một sự ghi nhớ trong họ thì đấy cũng là một cái điều mà tôi nghĩ rằng là một cách nào đấy sẽ hỗ trợ kết nối giúp cho người ta biết đến Việt Nam và tìm kiếm đến Việt Nam nhiều hơn, làm tốt nhất vai trò của mình trong cái công việc của mình làm và làm sao để tác động của mình lên đến mạnh nhất. Vì vậy những cái chương trình, những giải thưởng, bất cứ một hoạt động nào, từ nghiên cứu khoa học, từ nghệ thuật, văn hóa thì đều có thể liên kết được những cái điểm chạm như thế trong đối với đối tượng khách quốc tế hoặc những khán giả quốc tế, hoặc là bất cứ người nào mà tôi nghĩ rằng là họ chưa biết đến,họ có thể biết được hơn và tìm kiếm và trở thành một khách hàng nào đấy của doanh nghiệp Việt thì đấy là điều mong mỏi và nó cũng tạo nên sức mạnh của chúng ta khi mà hàng tiêu dùng của chúng ta được đến ở khắp các siêu thị.
Tôi nghĩ giải thưởng dù lớn hay nhỏ cũng chỉ là một hình thức, quan trọng lúc đó bản thân doanh nghiệp đã thực sự tốt và giải thưởng như thể một phương tiện truyền thông cho mọi người biết đến mình nhiều hơn, biết đến thực lực của doanh nghiệp, và sản phẩm cũng như dịch vụ của doanh nghiệp có thêm nhiều người muốn trải nghiệm và họ có tiếp tục hay không lại nằm ở chất lượng từ việc sử dụng. Khi tôi nhận giải thưởng, hai chữ Việt Nam được đọc lên cùng dòng chữ Việt Nam xuất hiện nó khẳng định một điều Việt Nam chúng ta có thể làm được nhiều thứ lớn lao, có thể bước ra thế giới và sòng phẳng cạnh tranh với các nước lớn. Tôi không dám nhận là người tiên phong, nhưng tôi nghĩ những người như tôi nhận được giải thưởng quốc tế khi trở về sẽ tiếp thêm động lực cho mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ, những bạn trẻ thật sự tài năng và tâm huyết có thể tự tin bước ra tranh tài trên thế giới.
MC Thúy Quỳnh: Ngược lại, Thế mạnh thương hiệu quốc gia chính là bệ đỡ để các doanh nghiệp đưa thương hiệu ra thế giới. Theo bà, cần có định hướng, chiến lược cụ thể nào để Việt Nam có những thương hiệu lớn giống như Hàn Quốc có Samsung, Nhật Bản có Honda…?
bà Nguyễn Thy Nga: Chắc chắn là sự hỗ trợ từ Chính Phủ, hẳn chúng ta đều biết đến những câu chuyện như Hàn Quốc đã dành những ưu đãi đặc biệt nào cho những “con cưng” của mình như Sam Sung, Huyndai,.. và tương tự Nhật Bản cũng làm với Honda. Sẽ chẳng có doanh nghiệp nào có thể tồn tại nếu thiếu sự ủng hộ từ chính Quốc mẫu.
“Chương trình thương hiệu quốc gia” được Chính phủ phê duyệt nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua hàng hóa, dịch vụ gắn với giá trị: “Chất lượng – đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”, đồng thời tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để chương trình đi đúng lộ trình đề ra lại không hề đơn giản nếu không làm tốt công tác truyền thông, quảng bá.
Về vấn đề hình thành thương hiệu – tài sản, yếu tố sống còn của tập đoàn kinh tế. Chiến lược xây dựng thương hiệu của tập đoàn kinh tế trước hết là phải trở thành số 1 trên thị trường trong nước bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giá cả cạnh tranh để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam; trên cơ sở đó, từng bước vươn ra khu vực và toàn cầu. Đó là chiến thuật rất thành công của Keiretsu của Nhật Bản và các chaebol của Hàn Quốc. Điển hình là, Waltmart – nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã phải rút lui khỏi thị trường Hàn Quốc vì chiến thuật này của Lotte. Đó cũng là bài học được đúc rút từ kinh nghiệm của Vingroup khi một số tập đoàn Thái Lan mua lại các siêu thị như Metro, BigC; chính bằng việc hình thành chuỗi cung ứng nông sản từ hợp tác xã sản xuất – nhà phân phối – siêu thị với chiết khấu thấp hơn nhiều so với Metro, BigC, nên Vingroup có được lợi thế cạnh tranh với các ông chủ người Thái ở thị trường nội địa.
Các tập đoàn đã khẳng định được vị thế trong nước cần tận dụng lợi thế của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ hội mới khi nước ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để có chiến lược kinh doanh trên thị trường khu vực và thế giới, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế nước ta đủ sức thực hiện.
MC Thúy Quỳnh: Xin cám ơn những chia sẻ của bà trong chương trình ngày hôm nay và một lần nữa cảm ơn bà đã dành thời gian cho truyền hình nhân dân.
Bà Nguyễn Thy Nga: Vâng, xin trân trọng cảm ơn.