Thy Nga đối thoại Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thúc đẩy và phục hồi phát triển Kinh tế Việt Nam

Từ Chính sách ra Cuộc sống: Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mới. Bên cạnh những kịch bản trong chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID – 19, Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giúp Việt Nam “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua. Năm 2022 là năm đầu tiên trong chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi những giải pháp đặc biệt. Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái đã đại diện đối thọai về nguồn lực và động lực mới cho thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID – 19 tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, xu hướng toàn cầu.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và đến năm 2030, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng, chưa có tiền lệ đến mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống người dân của hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2020 và 2021 mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách gì?

PTT-LMK-10B
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nghiêm trọng đến hầu hết các nền kinh tế, từ năm 2021, các quốc gia triển khai nhiều gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ người dân, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng. Trong nước, dịch bệnh COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân bị suy giảm.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đánh giá, dự báo tình hình, đề xuất các chính sách, giải pháp tổng thể, đồng bộ để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc thực hiện Nghị quyết 128 đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai và được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, phù hợp tình hình và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Cùng với đó, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương tại Kết luận số 24-KL/TW về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

Quan điểm xây dựng và triển khai Chương trình:

Một là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025;

Hai là, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế;

Ba là, chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng hỗ trợ;

Bốn là, các chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả và thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình phù hợp;

Năm là, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong phân bổ và sử dụng các gói hỗ trợ.

Có thể nói, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo sát sao của BCHTW, Bộ Chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phân công cho từng Bộ, ngành, địa phương. Việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình sẽ thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo tiền đề để chúng ta phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Chuyên gia Chính sách và Đổi mới Sáng tạo Nguyễn Thy Nga, chủ nhiệm Đề án Quốc gia Từ Chính sách ra Cuộc sống

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Từ đầu nhiệm kì, Chính phủ xây dựng thông điệp “đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”. Trên cơ sở bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và lấy cấp cơ sở là nền tảng hỗ trợ. Và để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt với các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đòi hỏi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cần giải quyết các vấn đề trước mắt, đồng thời tính tới các vấn đề bền vững lâu dài, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với việc đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược. Thưa Phó Thủ tướng, các cơ chế, chính sách chủ yếu của Chương trình và nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách đó là gì? 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

Chương trình được thực hiện chủ yếu trong 02 năm 2022 và 2023 với 03 mục tiêu chính là:

(1) Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã được TW, Quốc hội xác định cho giai đoạn 05 năm 2021-2025;

(2) Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân;

(3) Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.

Để bảo đảm đạt được 03 mục tiêu này, Chương trình được xây dựng gồm 05 nhóm giải pháp chủ yếu:

– Nhóm giải pháp thứ nhất là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Mục tiêu trọng tâm là mở cửa lại nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn; sẵn sàng các kịch bản dịch bệnh, bảo đảm nhu cầu vắc-xin và trang thiết bị y tế, phương án và nguồn lực để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống và thích ứng với dịch bệnh nhằm duy trì hoạt động liên tục, ổn định với năng suất cao và chi phí phù hợp.

– Nhóm giải pháp thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.

Mục tiêu trọng tâm là bảo đảm an sinh xã hội, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro, tác động của dịch bệnh; hỗ trợ người dân, người lao động, các đối tượng bảo trợ xã hội vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, tâm lý, sức khỏe, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Mục tiêu trọng tâm là giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Các chính sách bao gồm chính sách áp dụng chung và chính sách áp dụng riêng trong từng ngành, lĩnh vực: Vận tải; kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch; sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo.

– Nhóm giải pháp thứ tư là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Mục tiêu trọng tâm trong ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước; trong dài hạn nhằm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược; hạ tầng số; hạ tầng y tế; hạ tầng bảo trợ xã hội; du lịch và các dự án bảo đảm an toàn hồ chứa, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó, làm giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế – xã hội trong trung và dài hạn.

– Nhóm giải pháp thứ năm là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Mục tiêu cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế – xã hội nhanh và phát triển bền vững.

Nguồn lực thực hiện Chương trình được Chính phủ báo cáo và Quốc hội quyết định với tổng số tiền gần 350 nghìn tỷ đồng gồm:

(i) tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước tối đa 240 nghìn tỷ đồng;

(ii) số còn lại sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và huy động các nguồn lực khác để bảo đảm thực hiện Chương trình.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là mục tiêu lớn, đầy thử thách với đất nước ta, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Thưa Phó Thủ tướng, làm thế nào để bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra?

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

Nghị quyết 11 đã xác định các chính sách, giải pháp gắn với nguồn lực cụ thể để triển khai; đồng thời phân công cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương với thời hạn hoàn thành và sản phẩm đầu ra cụ thể. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần.

Với quy mô, nguồn lực rất lớn nhưng phải tập trung chủ yếu trong 02 năm 2022 và 2023. Quan trọng nhất là chúng ta phải triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định một cách khẩn trương, quyết liệt, kịp thời và hiệu quả. Đây là điều kiện đủ, là yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình.

Về vấn đề này, ngay sau khi Nghị quyết số 11 được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, dành nhiều thời gian để chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ đã có 03 Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung, quyết liệt thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

– Thứ nhất, Cần triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt và tuyệt đối không chủ quan với các diễn biến tình hình dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch mới bảo đảm điều kiện để đưa các hoạt động của đời sống xã hội sang trạng thái bình thường mới.

– Thứ hai, Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình; xác định thứ tự ưu tiên, phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với cá nhân từng đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện. Các Bộ, ngành theo nhiệm vụ được giao phải hoàn thành ngay việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

– Thứ ba, Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, chủ động phân tích, dự báo; kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh; điều hành linh hoạt đồng bộ, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

– Thứ tư, Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình. Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị phải phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

– Thứ năm, Chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

– Thứ sáu, Thực hiện có hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động và các chính sách an sinh xã hội nhằm ổn định sản xuất kinh doanh và bảo đảm đời sống cho người dân do chịu ảnh hưởng tác động của đại dịch.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng! Kính chúc Phó Thủ tướng sức khỏe, cùng Chính phủ điều hành đất nước đạt được nhiều thành tựu!