Tri thức và sự hiểu về chính mình?

Tại sao chúng ta làm những việc chúng ta làm? Tại sao chúng ta duy trì niềm tin hình thành nên chúng ta? Chúng ta sống theo những đức tính cao cả nhất của mình ở mức độ nào? Làm thế nào và tại sao chúng ta nhận ra sứ mệnh của mình?

Tri thức đến từ nhiều nguồn, theo nhiều cách khác nhau để hình thành nên niềm tin về sự hiểu biết của bản thân. Mà trong đó, mỗi người có thể nhìn nhận từ tổng thể hoặc chi tiết trong số các chủ nghĩa này…

Cuộc sống không được khám phá không đáng sống” (Plato, Apology). Ảnh Thy Nga by Dũng Phạm LeCerne

Việc trau dồi kiến ​​thức bản thân, là điều cần thiết nếu một người muốn theo đuổi cuộc sống tốt đẹp. Món quà của lý trí ngăn cách chúng ta với các loài động vật thấp hơn. Nếu chúng ta từ chối thực hiện phẩm chất tuyệt vời này, nếu chúng ta vấp ngã trong cuộc sống trên chế độ lái tự động – không bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về việc chúng ta là ai, chúng ta tin gì và tại sao chúng ta tin – thì làm sao chúng ta phân biệt được mình với con bò suốt ngày đứng trên đồng nhai cỏ? Và làm sao để chúng ta có đủ căn cứ và lý lẽ tranh luận với chính mình của ngày hôm qua và với người khác của ngày hôm nay.

Chủ nghĩa nội liên kết và ngoại liên kết

Những người theo chủ nghĩa nội liên kết cho rằng: nếu ai đó được cho là biết một điều gì đó thì họ sẽ phải đưa ra một mối liên kết giữa bằng chứng và niềm tin của họ xoay quanh vấn đề đó. Và mối liên kết ấy sẽ được đúc rút từ bên trong tư tưởng và những hiểu biết của cá nhân họ.

Tuy nhiên, luận điểm của những người này cũng nảy sinh ra một vài câu hỏi. Ví như, khi nào thì đủ bằng chứng? Việc những bằng chứng này lại đòi hỏi các bằng chứng khác chứng minh cho mình dừng lại ở đâu? Do đó, họ lại sa vào cái bẫy của hồi quy bất tận. Tri thức của một người cũng chỉ có giới hạn nhất định. Nên hoặc là họ sẽ có lúc phải tham vấn những ý kiến bên ngoài và vượt quá giới hạn của thuyết nội liên kết, hoặc cũng rất có thể họ tự lừa dối mình trong những hiểu biết giới hạn của chính họ.

Những người tuân theo chủ nghĩa ngoại liên kết thì ngược lại. Họ nhấn mạnh những mối quan hệ giữa cơ chế thu thập thông tin và những bằng cớ trong môi trường bên ngoài. Mối liên kết này sẽ hình thành nên niềm tin của họ. Chẳng hạn nếu có một mối liên hệ nhân quả giữa sự thật hiển nhiên bên ngoài và niềm tin của đối tượng, như là, niềm tin rằng trời đang mưa sẽ được tạo dựng trên nền tảng trời thật sự đang mưa ở bên ngoài.

Chủ nghĩa tin cậy.

Một đối tượng được cho là có tri thức khi họ sở hữu một niềm tin đúng, và niềm tin ấy được sản sinh ra từ một cơ chế hình thành niềm đáng tin cậy. Bởi với họ, một cơ chế hình thành niềm tin đáng tin cậy hầu hết sẽ sản sinh ra những niềm tin đúng.

Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng: một đối tượng được coi là có tri thức, hiểu biết về một điều gì đó không nhất thiết lúc nào cũng dựa vào mối liên kết nội tại hoặc khả năng truy cập hay mô tả vào một điều gì đó có thể biện minh cho niềm tin của họ. Ví dụ, có một số người thường xuyên đưa ra những câu trả lời đáng tin cậy về toán học, nhưng họ không biết giải thích tại sao và phương pháp để họ có được câu trả lời đó.

Chủ nghĩa hiện thực khoa học

Những người theo quan điểm này chấp nhận cách giải thích của khoa học về những việc, chẳng hạn như, các tác động của những thực thể không quan sát được có thể được phát hiện bởi con người và tại sao những sự kiện quan sát được lại có thể làm manh mối tìm ra sự tồn tại của những thực thể không quan sát được này.

Do đó, những người này thừa nhận, những gì chúng ta trải nghiệm và tư duy được từ việc khám phá tự nhiên sống động và đầy đủ hơn (richer) những gì giác quan chúng ta đem lại. Không chỉ có vậy, những người theo quan điểm này thật sự cho rằng những thực thể không quan sát được này là những đối tượng có thực, độc lập với tâm trí (mind-independent), và do đó cho rằng khoa học góp phần tìm ra sự thật (mặc dù họ có thể thất bại trong việc đạt được sự thật).

Chủ nghĩa khắc kỷ

Chủ nghĩa khắc kỷ là một trường phái triết học được khai sinh ở Athens khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Sứ mệnh của chủ nghĩa khắc kỉ là rèn luyện tinh thần con người cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực cuộc sống.

Quản điểm của chủ nghĩa khắc kỉ cho rằng, sở dĩ con người đau khổ vì đã chọn sai cách trong việc nhìn nhận các vấn đề. Khắc kỷ không có nghĩa là nghiêm ngặt, mà chủ nghĩa này cho rằng, để cân bằng với thế giới, chúng ta cần sống hoà hợp với bản chất con người và thế giới như vốn có. Chủ nghĩa khắc kỉ có triết lý là đừng cố kiểm soát những gì xảy đến, mà chỉ có thể kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó.

Chủ nghĩa hoài nghi

Chủ nghĩa hoài nghi là một hướng tiếp cận mà trong đó mọi tri thức nền tảng hay bất cứ một khẳng định nào cũng được người theo thuyết này hồ nghi, xem xét.

Chủ nghĩa mạng lưới liên quan

Cách thức cơ bản của những người theo chủ nghĩa mạng lưới là họ sẽ không cố biện minh vấn đề theo chiều dọc, bởi như thế là lâm vào vòng hồi quy bất tận. Vì vậy, thay cho chiều dọc, họ biện minh một niềm tin bằng cách tìm kiếm những bằng chứng xoay quanh nó. Những bằng chứng ấy sẽ tạo thành mạng lưới bảo vệ cho niềm tin. Bởi không có cái gì thực sự tuyệt đối làm nền tảng cho những cái khác, nên các chứng cứ dùng để xác minh sẽ được xếp đặt cùng nhau, hỗ trợ, bổ sung những khuyết thiếu cho nhau để giúp vấn đề trở nên đúng đắn.

……

Lời khuyên “hãy biết chính mình” là một trong ba câu châm ngôn được ghi trên lối vào Nhà tiên tri Hy Lạp tại Delphi. Với con người, điểm khởi đầu tự nhiên cho bất kỳ sự nghiên cứu triết học nào cũng là chính chúng ta. Cống hiến bản thân vào đời sống vào công việc, từ đó thấu hiểu tâm trí của chính mình, tâm trí phổ quát và tâm trí của đồng loại. Tập trung vào bản thân và rèn luyện một tâm trí chính trực. Suy ngẫm về tâm trí phổ quát để nhắc nhở bản thân rằng bạn có một vị trí lớn hơn chính bạn, trong quỹ đạo bao la này.

Thy Nga, tháng 08.2021.

Bài viết có tổng hợp từ nhiều tài liệu. Các sách gợi ý bạn đọc thêm: Phải trái đúng sai, Thuật tư tưởng, Chủ nghĩa khắc kỉ phong cách sống bản lĩnh và bình thản, trò chuyện với vĩ nhân.