Từ BTV thời sự đến chuyên gia của hệ sinh thái khởi nghiệp, Nguyễn Thy Nga chia sẻ: “Sự tin cậy đến vào lúc không ngờ nhất và để lại một dư vị ngọt ngào”


Facebook


Twitter


Youtube





Rời bỏ vị trí đáng mơ ước tại Đài truyền hình, BTV VTV1 Nguyễn Thy Nga gây bất ngờ với hình ảnh hiện tại: Giám đốc V-Startup. Đây là hệ sinh thái gồm không gian hỗ trợ khởi nghiệp Innovation Hub All in Station, nguồn quỹ VietNam InnoVentures với mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tốt nghiệp khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nguyễn Thy Nga từng khẳng định mình trong lĩnh vực truyền thông chính sách, tham gia tổ chức các chương trình lớn của Việt Nam và khu vực. Sau đó, chị trở thành BTV, dẫn chương trình của Ban Thời sự VTV1.

Năm 2017, Thy Nga rời nhà Đài và sáng lập V-Startup, xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghệ 4.0 trong chương trình khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ở góc độ chuyên môn, chị là chủ nhiệm các nhiệm vụ truyền thông chính sách và chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2020, Nguyễn Thy Nga được mời làm cố vấn và điều phối viên quốc gia cho Stevie Awards – giải thưởng danh giá 18 năm tuổi được ví như Oscar dành cho doanh nhân và doanh nghiệp quốc tế.

Khi rời vị trí BTV Thời sự của VTV1, chị chuẩn bị như thế nào cho sự ra đời của V-Startup?

Khác với mô hình hệ sinh thái bây giờ, V-Startup ban đầu là chương trình truyền hình tôi mong muốn bản thân có thể tham gia tổ chức sản xuất. Tôi đã đàm phán suốt 2 năm trước đó để được nhận được ủy quyền từ một chương trình đã thành công trong 5 năm của Chính phủ Hàn, phát sóng trên đài KBS.

Trong quá trình tìm hiểu và phát triển, V-startup nhận được nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, về mặt tài nguyên thông tin của khởi nghiệp sáng tạo, tại Việt Nam lúc này chưa đủ chất liệu cho một chương trình thực tế với mục tiêu thay đổi tư duy người sáng lập, thị trường và chính sách khởi nghiệp. Tôi buộc phải phát triển theo chiều rộng, phối hợp truyền thông tác động chính sách và từng bước liên kết mạng lưới quốc tế đồng hành.

Thời điểm ấy, tôi nghĩ bản thân phải toàn tâm toàn ý cho mục tiêu mới. Và tôi rời công việc biên tập viên vốn là mơ ước thuở bé. Dám từ bỏ có lẽ là tâm thế quan trọng của người sáng lập. Để trở thành người dẫn đầu, bạn phải có sự liều lĩnh nhất định, quyết đoán và tin vào trực giác của bản thân, có sự kiên định để lắp ghép bức tranh từ những chi tiết nhỏ. Tôi sẵn sàng tinh thần lường trước thất bại. Bởi không ai trong chúng ta có thể đoán trước được điều gì.

Những hoạt động đầu tiên của mô hình hệ sinh thái này diễn ra thế nào?

Tôi thành lập mạng lưới Vietnam Startup Ecosystem trong năm 2017 với các thành viên ở 15 quốc gia và ra mắt tại Techfest 2018. Cùng năm đó, tôi phối hợp mở không gian All in station tại TP Hồ Chí Minh quy tụ những nhân vật nổi bật trở về từ Silicon Valley, trong cộng đồng Fintech, Blockchain…

V-Startup nhanh chóng tạo tiếng vang trong hệ sinh thái khởi nghiệp, khi tạo ra nguồn lực liên kết mạnh hỗ trợ cho cộng đồng này. Trong cuộc thi mà V-startup chủ trì, trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức, các startup mà tôi lựa chọn để đi thi quốc gia đều được giải. Và sau đó, một đại diện đã vượt qua hơn 40 quốc gia khác để đạt vô địch startup toàn cầu.

Bên cạnh đó, những chương trình mà chúng tôi tổ chức cũng nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ, sự quan tâm từ Chính Phủ, các đơn vị công lập, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ trong nước, quốc tế và truyền thông báo chí. Việc mang lại nhiều giá trị cho các thành tố giúp V-Startup nổi bật trong hệ sinh thái khởi nghiệp và là lựa chọn cho nhiều đối tác quốc tế khi đến Việt Nam.

Điều đặc biệt là trong suốt 3 năm qua, chúng tôi chưa từng thu phí của các startup mà chúng tôi hỗ trợ. Giá trị của chúng tôi là năng lực phát triển đối tác trong nước, quốc tế và thực hiện các đề án công tư. Việc cung cấp các chiến lược thu hút nguồn lực hội tụ, nghiên cứu chính sách, liên kết thị trường, lan toả truyền thông… tạo ra giá trị thương hiệu cho V-Startup và cho chính tôi – trở thành chuyên gia độc lập trong các đề án của Chính phủ.

Thy Nga chia sẻ tại Ngày hội kết nối đối tác doanh nghiệp

Khó khăn lớn nhất của chị và V-Startup là gì?

Sự tin cậy. Yếu tố này cần thời gian, cần kết quả. Để giải quyết khó khăn, tôi phải gặp những người quyết định và có tầm nhìn. Tôi phải chứng minh qua những việc mình làm. Có những người sau 2 năm nói với tôi khi nhìn vào nội dung báo cáo: “Năm ấy tôi chưa hiểu cách em làm nhưng từ giờ về sau, có việc gì thì cứ đề xuất”.

Thật may mắn khi tôi nhận được ủng hộ và sự ghi nhận bởi những người xây dựng chiến lược tổng thể. Chúng tôi đã có thể tạo ra giá trị cho hệ sinh thái, ngược lại, mỗi thành tố trong hệ sinh thái cũng đã tạo ra giá trị cho chúng tôi. Sự tin cậy đến vào lúc không ngờ nhất và để lại một dư vị ngọt ngào.

Khi có được sự tin cậy, mọi việc chuyển biến thế nào?

Thật dễ chịu khi được lựa chọn môi trường làm việc, lựa chọn những điều mà mình thấy thú vị, những đối tác mà mình thấy cùng phát triển, cùng tạo ra giá trị. Tất nhiên tôi cũng luôn luôn đổi mới và thay đổi phương thức cho phù hợp với các bối cảnh.

Khó khăn hiện nay, nếu có, là liên quan đến nguồn lực con người. Để giải quyết được điều này, V-startup phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân – đào tạo thực tiễn cho thế hệ trẻ. Tôi cho các em thực tập sinh tham gia tổ chức những chương trình khoa học quốc gia, quốc tế, hay những chương trình truyền hình, những chương trình nghệ thuật. Từ đó tạo ra áp lực giúp các em phát triển bản thân và thêm tự tin.

Điều này một mặt tạo ra nhân sự chất lượng cho V-Startup. Mặt khác cung cấp nhận lực cho các quỹ, startup, doanh nghiệp, bộ ngành mà V-starrtup đang phối hợp.

Sau 3 năm hoạt động, đâu là thành công lớn nhất mà chị và V-Startup đạt được?

Nhiều đối tác quốc tế của chúng tôi nói rằng, khi đến Việt Nam họ tìm thấy V-Startup và cá nhân tôi khi cần một đơn vị có thể đưa ra giải pháp làm việc với Chính phủ, doanh nghiệp, startup hay truyền thông.

Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp khối bộ, ban, ngành, truyền thông chính sách, đưa chính sách gần hơn với cuộc sống. Như vậy, chúng tôi không chỉ mang lại giá trị cho startup mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các thành tố chung trong hệ sinh thái.

Yếu tố nào đã giúp một mạng lưới có thể tư vấn cho startup, liên kết với các quỹ và hỗ trợ chính sách cho khối bộ, ban, ngành như chị chia sẻ?

Dù là cá nhân, doanh nghiệp, quỹ hay các đơn vị công lập thì cũng luôn phải ở trong một trạng thái liên kết nguồn lực hội tụ để nói lên tiếng nói của số đông, đề xuất được những giải pháp phù hợp. Để công việc có thể hoàn thành tốt nhất, tôi sử dụng đúng khái niệm đổi mới sáng tạo, làm mọi thứ theo cách mới, vận dụng nhiều phương pháp đòn bẩy.

Chúng tôi có mạng lưới chuyên gia, các thành tố trong hệ sinh thái rộng khắp và nguồn thông tin trực chiến thu thập được. Chúng tôi đã tạo ra nhiều chương trình vì cộng đồng để tăng tính tác động. Đồng thời, có những kiến nghị chính sách, tạo ra giá trị chung để môi trường khởi nghiệp nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung ngày một thuận lợi hơn.

Những hoạt động của hệ sinh thái V-startup có giúp chị cảm thấy tự tin hơn trong vai trò cố vấn cho giải thưởng uy tín Steve Awards?

Việc kết nối hệ sinh thái có lẽ là lý do mà Stevie Award Việt Nam mời tôi làm cố vấn và điều phối viên quốc gia. Chiến lược phát triển hình ảnh của Stevie Awards Việt Nam hướng tới mục tiêu mời Stevie Awards Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức trao giải ở Việt Nam vào những năm tới, đồng thời, giới thiệu Stevie Awards đến với các đơn vị và cá nhân nổi bật. Việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đăng kí giải thưởng sẽ tăng cường sự nhận biết và quảng bá hình ảnh của các thương hiệu Việt trên diễn đàn quốc tế.

Khi nhận được lời mời, tôi có đắn đo vì khối lượng công việc hiện tại khá dày, lịch trình hoạt động đã lên khung dự kiến trong 2 năm. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn gật đầu vì bản thân luôn tự hào về bản sắc dân tộc, luôn muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa hình ảnh của con người, cảnh sắc, doanh nghiệp Việt Nam trên các chương trình quốc tế.

Tham gia nhiều vai trò từ truyền thông chính sách, tư vấn chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường cho doanh nghiệp, đào tạo thực tiễn… chị cân đối các công việc như thế nào?

Tôi nghĩ rằng cách tôi làm mọi việc là đặt vai trò ở đâu thì trách nhiệm đến đó. Mọi việc nếu kể thì nhiều chi tiết nhưng đều là việc tôi đã làm và có những kết quả ghi nhận từ các đối tác uy tín. Hoạt động này lại là nền tảng bổ trợ cho các hoạt động khác. Khi đã đặt thử thách cho bản thân, rằng là người khởi xướng và muốn tạo giá trị tác động, thì những việc tôi phải làm sẽ phải nhiều hơn. Đó cũng là định nghĩa mà tôi đưa ra về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phải có mô hình mới trong một thời gian ngắn và tạo ra tăng trưởng đột phá. Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng phải thật đổi mới sáng tạo.

Để một hệ thống chạy tốt, các linh kiện đều phải khỏe mạnh và liên kết chặt chẽ với nhau. Thật may khi tôi được tin cậy và ủng hộ. Tôi được đóng góp công sức mình vào công việc chung. Và tôi cũng được nhiều người chia sẻ tầm nhìn, cùng thực hiện những mục tiêu tôi đã đề ra, cùng phát triển. Và để tôi tiếp tục mơ và chinh phục những giấc mơ mới.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

 

Truyền thông đưa tin

Cafe F

Tổng hợp: Thu Giang

2021 © Nguyễn Thy Nga