“Mọi người thường cho rằng, những người rảnh rỗi mới dành thời gian cho triết học, thế những chỉ có những người này mới thực sự sống một đời sống trải nghiệm đa dạng. Không hài lòng với việc chỉ chăm chăm theo dõi ngày tháng của cuộc đời mình, họ sáp nhập mọi thời đại vào thời đại của mình. Tất cả các bài học giá trị từ quá khứ và tương lai đều được thêm vào hành trình của họ. ”- Lucius Annaeus Seneca
Thy Nga – Sẽ thật ngây thơ nếu nghĩ rằng triết học là thứ cuối cùng chúng ta muốn, chứ đừng nói đến thứ chúng ta cần. Triết học không chỉ là nói chuyện, chia sẻ và giảng giải, hay thậm chí là đọc những cuốn sách dày đặc xa lạ. Trên thực tế, triết học được sử dụng trong suốt lịch sử – để giải quyết các vấn đề đời sống và giúp con người đạt được những thành tựu to lớn hơn. Tôi muốn chia sẻ góc nhìn triết học, giúp đem lại cho chúng ta những góc nhìn trực diện, bóc tách cảm xúc và lý trí, hoặc một cách tự nhiên chúng ta đã nhìn nhận và tiếp cận đời sống, và hành xử như thế, thì đấy chính là tinh thần của triết học.
Chủ nghĩa khắc kỉ (Soicism) là triết lý thực tế giúp ta có thể phát triển và sống hạnh phúc cho dù có chuyện gì xảy ra. Tôi nghĩ triết lý này cần thiết với những người đang hoang mang khi đối diện với một thế giới rối ren bất định trong bối cảnh Covid 19 như hiện nay. Nếu bạn đang cảm thấy thất vọng, mất tinh thần hoặc bế tắc không biết làm thế nào để bước tiếp, bài viết này là dành cho bạn. Để bạn tìm hiểu về một triết lý có thể giúp bạn biến vấn đề thành lợi thế lớn nhất của mình.
Chủ nghĩa khắc kỉ có sự chia sẻ tri thức từ những nhà tư tưởng, nhà tâm lý học, những chính trị gia, những con người thành công qua nhiều thời đại. Phần lớn những người có nhiều trải nghiệm với các cung bậc thăng trầm của cuộc đời như những cánh bướm trải qua đau đớn hoá thân, có lẽ đều đã vượt qua và thực hành nhuẫn nhuyễn tư tưởng chủ nghĩa khắc kỉ – mà có thể nhiều khi chính họ còn không có ý niệm về lý thuyết này.
Tôi không xem mình là một Stoic hoàn toàn – nhưng vẫn là người phát triển nhờ chủ nghĩa khắc kỉ, và đã thực hành nhiều năm từ thời thơ ấu. Tôi đã luôn dành thời gian soi rọi vào bản thân và ngắm nhìn cuộc đời theo luật quân bình và tâm quán chiếu. Câu chuyện chi tiết về việc tại sao tôi cần đến thực hành khắc kỉ sẽ để sau, trong một ngày nào đó khi tôi đủ thích thú và trầm trồ hơn với những trải nghiệm và thành tựu của chính mình, khi đã trải qua thêm thật nhiều khó khăn và thất bại. Hoặc cũng có thể câu chuyện sẽ trôi qua như chưa dòng sông cuộc đời chảy mãi không cần nhìn lại.
Chủ nghĩa khắc kỉ giúp tôi trả lời được các câu hỏi: Cuộc đời đẹp nhất mà ta có thể sống là gì? Làm thế nào mà ta có thể đương đầu với mọi thử thách của đời này và có thể phát triển mạnh mẽ? Làm thế nào để bình an trong nghịch cảnh? Làm thế nào để làm việc vượt qua trạng thái bị định kiến, chỉ trích, thị phi, thất bại? Làm thế nào để có thể thành công trong môi trường không thế mạnh?
Tiếp theo những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa khắc kỉ trong Tri thức và sự hiểu biết về chính mình. Chủ nghĩa khắc kỷ khai sinh ở Athens khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Sứ mệnh của chủ nghĩa khắc kỉ là rèn luyện tinh thần con người cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực cuộc sống. Quan điểm của chủ nghĩa khắc kỉ cho rằng, sở dĩ con người đau khổ vì đã chọn sai cách trong việc nhìn nhận các vấn đề. Khắc kỷ không có nghĩa là nghiêm ngặt, mà chủ nghĩa này cho rằng, để cân bằng với thế giới, chúng ta cần sống hoà hợp với bản chất con người và thế giới như vốn có. Chủ nghĩa khắc kỉ có triết lý là đừng cố kiểm soát những gì xảy đến, mà chỉ có thể kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó, chịu đựng đau đớn hoặc nghịch cảnh bằng lòng kiên trì và khả năng phục hồi. Khắc kỷ tập trung vào những thứ họ có thể kiểm soát, buông bỏ mọi mong muốn khác, và biến mọi trở ngại thành cơ hội để trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn, phát triển hơn.
- Chủ nghĩa khắc kỷ được khai sinh với sứ mệnh trui rèn bản lĩnh và tinh thần của con người trước những áp lực và khổ đau trong cuộc sống. Stoicism khái quát 4 phẩm cách mà con người nên tuân theo trong mọi hoàn cảnh: trí tuệ (wisdom), chính trực (integrity), sự công bằng (justice), và can đảm (courage). Đây sẽ là 4 phẩm cách mà bạn phải đối chiếu, khi tìm lý do cho mỗi hành động của mình.
“Trở ngại thúc đẩy hành động. Những gì cản đường trở thành con đường.” Marcus Aurelius đã nói cách đây gần 2000 năm.
Diễn giải ngắn về chủ nghĩa khắc kỷ, những triết gia sáng lập và người nổi bật theo đuổi
- Chủ nghĩa Khắc kỷ được sáng lập bởi nhà triết học Zeno xứ Citium vào đầu thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên, sau đó được kế thừa bởi triết gia, cố vấn chính trị Seneca, hoàng đế Marcus Aurelius và Epictetus.
-
Chủ nghĩa khắc kỉ dường như đang trỗi dậy và dần trở nên phổ biến với sự nghiên cứu, trích dẫn và theo đuổi từ nhiều tên tuổi: Bill Clinton – Cựu tổng thống Hoa Kỳ đọc Meditations (Suy tưởng) của Marcus Aurelius mỗi năm. Theodore Roosevelt – một trong những nhà lãnh đạo kiên cường nhất trong lịch sử, đã đưa Epictetus và Marcus Aurelius vào cuộc thám hiểm chết chóc của mình với River of Doubt. George Washington – Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã được truyền cảm hứng và ảnh hưởng bởi Chủ nghĩa Khắc kỷ. Danh sách kéo dài từ nguồn. Và những nghiên cứu đương đại cũng đang chỉ ra những tên tuổi nổi bật Warren Buffett, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Steve Job… có nhiều quan điểm tương đồng với chủ nghĩa khắc kỷ.
-
Chủ nghĩa khắc kỷ là sự chịu đựng nỗi đau hoặc khó khăn mà không có sự thể hiện cảm xúc và không hề phàn nàn. Bạn phải có danh mục ưu tiên hoạt động tìm kiếm và lựa chọn từ niềm đam mê thực sự, tiếng gọi thực sự của tâm trí và nuôi dưỡng thực hành nó. Việc thực hành nhấn mạnh sự tách biệt rõ rệt giữa cảm xúc và phản ứng.
Chủ nghĩa khắc kỷ là một hệ thống sống kỉ luật nơi bạn không bao giờ đổ mồ hôi cho những thứ nhỏ nhặt và giữ tất cả những ưu tiên của bạn trong tầm kiểm soát.
Trong bài viết này, tôi sẽ tiếp tục chi tiết để một người mới tiếp cận tìm hiểu thêm triết lý xu hướng giúp con người bình an và phát triển mạnh mẽ cho dù đang trong trạng thái đời sống bất định và biến động này.
Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa khắc kỷ
- Chủ nghĩa này được xây dựng để hành động, không phải để tranh luận.
- Nguồn gốc của sự bất mãn của chúng ta bắt nguồn từ nhu cầu bốc đồng là hành động theo cảm xúc thay vì lí trí.
- Chủ nghĩa khắc kỷ nhắn nhủ chúng ta về cuộc sống ngắn ngủi và sự khó lường của nó.
- Luôn kiểm soát bản thân, tình cộng đồng không thay đổi.
- Nó giúp chúng ta vượt qua những cảm xúc tiêu cực, rèn luyện bản thân không buồn bã trước những điều mà chúng ta không thể kiểm soát.
- Tất cả cảm xúc xuất hiện trong chính chúng ta. Không ai và điều gì có thể khiến bạn cảm thấy cảm xúc bị tác động. Những gì bạn cảm nhận và cách bạn phản ứng hoàn toàn do chính tinh thần của bạn.
- Xem xét những gì bạn đang dành nhiều thời gian nhất. Nó có lợi cho sự phát triển của bạn không?
- Nhận ra rằng nếu bạn thất bại, bạn sẽ học, bạn sẽ điều chỉnh, bạn sẽ vượt qua, và bạn mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn. Thất bại nạp nhiên liệu vào động lực của bạn, đưa bạn đến với sáng tạo. Tôi thích thú với IFF inteligent fast failure và quá trình đẩy nhanh thất bại thông minh.
Bản thân nỗi sợ còn tồi tệ hơn chính những gì làm ta sợ hãi. Những triết gia khắc kỷ luôn trăn trở và chiêm nghiệm về những điểm mạnh trong tính cách như trí tuệ, sự kiên nhẫn hay kỷ luật tự giác – và cũng chính những điều này sẽ giúp họ trở nên kiên cường hơn trước mỗi thách thức.
Những góc nhìn từ chủ nghĩa khắc kỷ mang lại
Cách hóa giải nghịch cảnh và sự lo xa,
Cách giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc mạnh (đặc biệt là giận dữ và đau buồn),
Cách nhìn nhận và đối mặt với cái chết,
Góc nhìn về chính trị và chính phủ,
Cách thực hành sự thiếu thốn, và đưa mình vào bất hạnh chủ động đễ sẵn sàng cho nghịch cảnh,
Cách sử dụng của cải và cách mang lại lợi ích cho người khác và tập thể,
Tất cả chúng ta nằm trong tổng thể của vũ trụ.
Thay đổi cái nhìn về mất mát và những góc nhìn thẳng vào sự thật hiển nhiên
Đối mặt trước bệnh tật và cái chết, vị Hoàng đế Marcus Aurelius vẫn luôn nhắc nhở bản thân: “Hãy cứ chấp nhận mọi sự xảy ra – hiển nhiên như hoa nở vào mùa xuân và trái chín khi thu về.”
Là ta đang chơi với con mèo hay chính ta đang là đồ chơi của nó – When I play with my cat, who knows if I am not a pastime to her more than she is to me – Michel de Montaigne
Tạm diễn giải tư tưởng: Cố gắng tránh những thứ làm thỏa mãn số đông, những món quà dựa trên may mắn. Luôn luôn cảnh giác, giữ chút ngại ngần, và đặc biệt là khả năng kháng cự lại bất cứ thứ gì tốt đẹp ngẫu nhiên. Chính bởi sự cám dỗ mà cá cắn câu, thú bị săn, lừa bị dẫn dụ bởi chiếc gậy cà rốt. Bạn nghĩ chúng là điều may ư? Chúng có thể là cạm bẫy. Nếu ai thực sự mong muốn một cuộc sống an bình thì cần phải tránh xa những cạm bẫy “may mắn” đó, những thứ gây nhầm lẫn. Ta thường nghĩ ta kiểm soát chúng, nhưng chính chúng đang kiểm soát chúng ta.
Và vì rồi ai đã cũng sẽ dễ dàng nói rằng nói lý thuyết và đạo lý thật dễ thì tặng bạn câu này để mạnh mẽ tìm kiếm một chủ nghĩa sống phù hợp với chính mình, giúp bạn phát triển, phát triển và phát triển nữa: Nếu một triết gia, một chính trị gia, một doanh nhân, một người nổi trội… có tư tương và cuộc sống, hành động không ăn khớp với nhau, thì bi kịch ở chính những mâu thuẩn trong tâm hồn người ấy mà thôi.
Đối với một người theo chủ nghĩa khắc kỷ (Stoic) thì chỉ có tâm trí là cái chúng ta có thể kiểm soát và là giá trị duy nhất của chúng ta mà thôi, những thứ khác: tài sản, địa vị, danh vọng và thậm chí ngay cả thân thể chính chúng ta cũng phải là “indifference – không ảnh hưởng”.
“To live a good life: we have the potential for it. If we can learn to be indifferent to what makes no difference” – Marcus Aurelius.
Mỗi chúng ta đều hoàn toàn có khả năng để sống một cuộc sống tốt đẹp. Chỉ là chúng ta phải biết cách phớt lờ trước những thứ không thực sự có ảnh hưởng đến chúng ta.
“‘Nếu anh tìm kiếm bình yên, hãy làm ít lại.’ Hay chính xác hơn làm những việc cần thiết… Điều đó mang đến một sự thỏa mãn gấp đôi: làm ít hơn, nhưng tốt hơn. Bởi phần lớn những gì chúng ta nói và làm là không cần thiết. Nếu anh có thể loại bỏ chúng thì anh sẽ có thêm nhiều thời gian và bình yên hơn. Hãy hỏi luôn bản thân, “Điều này có cần thiết hay chăng?’” – Marcus Aurelius, trích Suy tưởng.
Một vài trích dẫn triết ký khắc kỷ
“Chẳng lẽ bạn không biết rằng cuộc đời giống như một chiến dịch quân sự sao? Một người phải làm nhiệm vụ quan sát, kẻ khác thì đi do thám, người khác thì ở nơi tiền tuyến. . . . Và chúng ta cũng giống như thế – cuộc sống của mỗi người là một kiểu chiến đấu, và cũng là một cuộc chiến dài lâu và đa dạng. Bạn phải cảnh giác như một người lính và làm tất cả mọi thứ được ra lệnh . . . . Bạn đứng ở một vị trí then chốt, không phải là nơi tầm thường, và không phải trong một thời gian ngắn mà là cả cuộc đời.” – Epictetus, Discourses.
“Nhiệm vụ trọng yếu trong cuộc đời chỉ đơn giản là thế này: xác định và tách bạch những vấn đề mà tôi có thể nói rõ ràng với chính mình là những cái bên ngoài không nằm dưới sự kiểm soát của tôi, và những vấn đề nào liên quan đến sự lựa chọn mà tôi thực sự kiểm soát được. Khi ấy tôi tìm kiếm cái thiện cái ác ở đâu? Không phải ở những thứ bên ngoài mà tôi không kiểm soát được, mà ở những lựa chọn của tôi trong chính tôi.” – Epictetus.
“Thứ làm hại tổ ong cũng tức là làm hại con ong. Chúng ta bắt buộc phải đối xử với tất cả mọi người mà chúng ta gặp phải bằng sự tôn trọng và tử tế, cho dù họ là một người lao công hay một tỷ phú. Nó có nghĩa là chúng ta phải làm việc để làm điều tốt cho người khác … bởi vì làm điều tốt cho họ là làm điều tốt cho chính mình.” – Marcus
“Bệnh tật là một chướng ngại vật đối với cơ thể, chứ không phải ý chí, trừ phi ý chí lựa chọn nó. Sự què quặt là một chướng ngại vật đối với cái chân, chứ không phải ý chí.” – Epictetus
“Cuộc sống không bao giờ trở nên khó chịu bởi hoàn cảnh, mà chỉ bởi thiếu ý nghĩa và mục đích”. Frankl
“Để trở thành một triết gia không chỉ đơn thuần là có những triết lý tinh tế […] Mà để giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải lý thuyết, mà là trên thực tế” – Thoreau, trích Walden.
viết về các nhà Khắc kỷ, “Họ định nghĩa Trí tuệ là nhận biết được điều tốt điều xấu và những điều không tốt cũng chẳng xấu…biết được những gì chúng ta nên chọn, những gì chúng ta nên thận trọng, và những gì ta nên thờ ơ” – Diogenes Laërtius.
Thy Nga, tháng 8, 2021
Phần viết trước Tri thức, hiểu về chính mình và các chủ nghĩa triết học thực tiễn
Danh mục gợi ý đọc:
Chủ nghĩa khắc kỉ – phong cách sống bình thản và bản lĩnh Trở ngại là con đường Những quy luật trong bản chất con người Bản dịch ngắn của chủ nghĩa khắc kỷ – vì sao giúp bạn sống tốt hơn